Discover millions of ebooks, audiobooks, and so much more with a free trial

Only $11.99/month after trial. Cancel anytime.

Tính chính đáng của Đảng Cộng sản cầm quyền ở Việt Nam
Tính chính đáng của Đảng Cộng sản cầm quyền ở Việt Nam
Tính chính đáng của Đảng Cộng sản cầm quyền ở Việt Nam
Ebook304 pages5 hours

Tính chính đáng của Đảng Cộng sản cầm quyền ở Việt Nam

Rating: 1 out of 5 stars

1/5

()

Read preview

About this ebook

Trước kia, khi tầng lớp thống trị của nhà nước thực hiện một cách rộng rãi những đàn áp và bất công, nhân dân có thể tuân thủ những mệnh lệnh của quyền lực chính trị từ những động cơ của lương tâm như sự sợ hãi bị trừng phạt, sự tôn sùng cá nhân, phong tục, tập quán, tôn giáo, do gắn bó trong một thời gian dài với một người cai trị, hay là tin vào sự ủy thác quyền lực của Thượng đế cho người cai trị v.v.. Tuy nhiên, một tầng lớp cai trị nào đó không thể vững bền qua thời gian trừ khi những thần dân của nó nhận ra rằng khi những người nắm giữ quyền ra lệnh và đòi hỏi họ phải phục tùng là nhờ có quyền lực chính đáng. Còn nếu không, nó sẽ dẫn đến những sự thay đổi về chủ thể cai trị khi mà những thần dân đã thức tỉnh, nhận rõ được sự bất công từ quyền lực bất chính đáng và họ đã đủ mạnh để đánh đổ chủ thể cai trị hiện thời. Lịch sử đã chứng minh, sự biến chuyển của các chế độ chính trị, của quyền lực có thể coi là sự thay đổi trong quan niệm về tính chính đáng chính trị.
LanguageTiếng việt
PublisherLuan Alex
Release dateJan 16, 2017
ISBN9788822890894
Tính chính đáng của Đảng Cộng sản cầm quyền ở Việt Nam

Read more from Luan Alex

Related to Tính chính đáng của Đảng Cộng sản cầm quyền ở Việt Nam

Related ebooks

Related categories

Reviews for Tính chính đáng của Đảng Cộng sản cầm quyền ở Việt Nam

Rating: 1 out of 5 stars
1/5

1 rating0 reviews

What did you think?

Tap to rate

Review must be at least 10 words

    Book preview

    Tính chính đáng của Đảng Cộng sản cầm quyền ở Việt Nam - Luan Alex

    KHẢO

    800x600

    1. Tính cấp thiết của đề tài luận án

    Về căn bản, trong mối quan hệ của quyền lực (chủ thể ra lệnh - chủ thể phục tùng), chủ thể ra lệnh bao giờ cũng muốn dùng quyền lực của mình để ép buộc người bị cai trị phải tuân thủ, phục tùng, làm theo các mệnh lệnh của mình một cách vô điều kiện và tất nhiên là phải đạt được hiệu quả như ý muốn. Ngược lại, người bị cai trị luôn có cảm giác khó chịu và có xu hướng phản kháng, bất tuân thủ. Tuy nhiên, do đòi hỏi của sản xuất, của sự trật tự xã hội, xã hội vẫn luôn phải tồn tại các mối quan hệ quyền lực. Như Ăngghen đã từng khẳng định: Một quyền uy và một sự phục tùng nhất định đều do những điều kiện vật chất làm cho trở nên tất yếu đối với chúng ta. Đây chính là mâu thuẫn lớn nhất của quyền lực. Vấn đề đặt ra là, làm sao để những mệnh lệnh của chủ thể quyền lực đưa ra mà người bị trị tuân thủ, nghe theo, làm theo một cách tự nguyện và đạt được hiệu lực và hiệu quả cao? Để có được điều này, đòi hỏi quyền lực phải có tính chính đáng. Hay nói cách khác, quyền lực, sự cưỡng bức sẽ dễ chịu hơn khi nó được mọi người coi là chính đáng. Vì vậy, tính chính đáng là một sự đòi hỏi cần thiết của quyền lực và đã trở thành một trong những đối tượng trung tâm của nghiên cứu chính trị học.

    Trước kia, khi tầng lớp thống trị của nhà nước thực hiện một cách rộng rãi những đàn áp và bất công, nhân dân có thể tuân thủ những mệnh lệnh của quyền lực chính trị từ những động cơ của lương tâm như sự sợ hãi bị trừng phạt, sự tôn sùng cá nhân, phong tục, tập quán, tôn giáo, do gắn bó trong một thời gian dài với một người cai trị, hay là tin vào sự ủy thác quyền lực của Thượng đế cho người cai trị v.v.. Tuy nhiên, một tầng lớp cai trị nào đó không thể vững bền qua thời gian trừ khi những thần dân của nó nhận ra rằng khi những người nắm giữ quyền ra lệnh và đòi hỏi họ phải phục tùng là nhờ có quyền lực chính đáng. Còn nếu không, nó sẽ dẫn đến những sự thay đổi về chủ thể cai trị khi mà những thần dân đã thức tỉnh, nhận rõ được sự bất công từ quyền lực bất chính đáng và họ đã đủ mạnh để đánh đổ chủ thể cai trị hiện thời. Lịch sử đã chứng minh, sự biến chuyển của các chế độ chính trị, của quyền lực có thể coi là sự thay đổi trong quan niệm về tính chính đáng chính trị.

    Ngày nay, trong một xã hội dân chủ, tính chính đáng chính trị được coi là một vấn đề hệ trọng, liên quan trực tiếp đến hiệu lực và hiệu quả của thực thi quyền lực chính trị, và cụ thể hơn là hiệu lực, hiệu quả thực thi của một mệnh lệnh, chỉ thị phát ra từ các cơ quan quyền lực của chủ thể cầm quyền. Nếu chủ thể cầm quyền thiếu tính chính đáng, các mệnh lệnh từ bộ máy cai trị của nó đưa ra sẽ gặp phải sự chống đối, kháng cự từ những công dân. Và ngược lại, chủ thể cầm quyền có được tính chính đáng cao, khi đó, nó sẽ đạt được hiệu lực và hiệu quả cao trong thực thi quyền lực và dĩ nhiên là giữ được sự ổn định chính trị- xã hội nhằm duy trì thời gian cầm quyền. Như vậy, tính chính đáng chính trị tạo nên sức mạnh, hiệu quả trong thực thi quyền lực của chủ thể cầm quyền.

    Trong lịch sử hình thành và phát triển của mình, tính chính đáng của Đảng Cộng sản (ĐCS) Việt Nam đã được lịch sử chứng minh và nhân dân thừa nhận. Tính chính đáng này có được vì dưới sự lãnh đạo và cầm quyền của mình, Đảng đã đồng hành cùng nhân dân, cùng dân tộc đạt được nhiều thành tựu trong việc đấu tranh vì mục tiêu chung là giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vai trò lãnh đạo tuyệt đối của ĐCS Việt Nam đã được ghi nhận trong Hiến pháp, song điều đó không đồng nghĩa với việc không cần tăng cường, củng cố tính chính đáng của Đảng trong vị trí cầm quyền. Ngược lại, trong bối cảnh đã có nhiều thay đổi hiện nay, đòi hỏi Đảng cầm quyền phải không ngừng tăng cường xây dựng, phát huy tính chính đáng của mình để đoàn kết các lực lượng trong xã hội đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức để bảo vệ độc lập dân tộc, thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

    Trong suốt thời gian cầm quyền đã qua, có những lúc Đảng mắc một số sai lầm trong lãnh đạo và cầm quyền làm ảnh hưởng đến tính chính đáng. Đặc biệt, thời gian gần đây, như đã được khẳng định trong nhiều Văn kiện Đại hội XI của Đảng:

    Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hóa giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý, điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin của dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước [26,tr.173].

    Hậu quả của nó là ở một số nơi xảy ra tình trạng khiếu kiện kéo dài, một số cá nhân, tổ chức chống đối lại các cơ quan nhà nước một cách quyết liệt, thậm chí ở một số nơi đã xuất hiện một số cơn sóng ngầm trong lòng dân và có nguy cơ gây mất ổn định xã hội v.v.. Mặc dù Đảng đã có nhiều biện pháp như tự phê bình và phê bình, chỉnh đốn Đảng, giữ quan hệ mật thiết với quần chúng, đặc biệt nhấn mạnh sự tuyên truyền, giáo dục và giác ngộ v.v.. Dấu hiệu đó cho thấy, tính chính đáng đã có dấu hiệu bị xói mòn. Điều này rất dễ xảy ra, nhất là khi quyền lực nhà nước được đặt dưới sự lãnh đạo của một Đảng duy nhất cầm quyền liên tục trong một thời gian dài. Rất có thể, khi cầm quyền trong thời gian dài, Đảng tự xây cho mình một tháp ngà và tự cách biệt mình với quần chúng nhân dân. Nghiêm trọng hơn, chính điều đó nảy sinh quan liêu, xa dân, tham nhũng, thậm chí độc đoán, một bộ phận cán bộ, đảng viên hư hỏng, dần đánh mất lòng tin của nhân dân, qua đó làm xói mòn tính chính đáng về sự cầm quyền của Đảng. Điều này đã từng xảy ra với một số đảng, dẫn đến kết cục đảng không cầm quyền được nữa, gây những hệ lụy nguy hiểm cho quốc gia, cho dân tộc. Vì vậy, việc nghiên cứu, đánh giá một cách có căn cứ khoa học và hệ thống về tính chính đáng của Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi Đảng cầm quyền đến nay để từ đó có những kiến nghị nhằm nâng cao tính chính đáng trong cầm quyền của Đảng thời gian tới là một vấn đề hết sức hệ trọng và cấp bách.

    Chính vì những lý do trên, nghiên cứu sinh chọn đề tài Tính chính đáng của Đảng Cộng sản cầm quyền ở Việt Nam để làm luận án tiến sĩ chính trị học là hữu dụng cả về lý luận và thực tiễn.

    2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án

    2.1. Mục đích nghiên cứu

    Trên cơ sở làm rõ những vấn đề lý luận về tính chính đáng chính trị, tính chính đáng của ĐCS Việt Nam cầm quyền, luận án đi khảo sát, phân tích, đánh giá tính chính đáng của ĐCS Việt Nam cầm quyền qua các thời kỳ lịch sử, chỉ ra các hạn chế trong duy trì tính chính đáng của Đảng hiện nay, từ đó đưa ra một số giải pháp khả thi nhằm nâng cao tính chính đáng của ĐCS Việt Nam cầm quyền thời gian tới.

    2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu của luận án

    Để thực hiện mục tiêu trên, luận án có các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

    - Thứ nhất, làm rõ cơ sở lý luận về tính chính đáng chính trị, tính chính đáng của ĐCS Việt Nam cầm quyền.

    - Thứ hai, dựa trên cơ sở lý luận đã được xây dựng, luận án khảo sát, phân tích và đưa ra những nhận xét về tính chính đáng của ĐCS Việt Nam cầm quyền qua các thời kỳ lịch sử.

    - Thứ ba, nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng tính chính đáng trong cầm quyền của một số đảng chính trị trên thế giới, từ đó rút ra một số bài học có giá trị tham khảo đối với ĐCS Việt Nam.

    - Thứ tư, chỉ ra các hạn chế trong duy trì tính chính đáng của Đảng hiện nay.

    - Thứ năm, đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao tính chính đáng trong cầm quyền của ĐCS Việt Nam thời gian tới.

    3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án

    3.1. Đối tượng nghiên cứu của luận án

    Đối tượng nghiên cứu của luận án là những vấn đề lý luận và thực tiễn đối với tính chính đáng của ĐCS Việt Nam cầm quyền. Góc độ tiếp cận và giải quyết các nội dung nghiên cứu của luận án là dưới góc độ khoa học Chính trị học.

    3.2. Phạm vi nghiên cứu của luận án

    Về nội dung: Nghiên cứu về ĐCS Việt Nam với tư cách là đảng duy nhất cầm quyền ở nước ta có rất nhiều nội dung nghiên cứu khác nhau, chứa đựng nhiều vấn đề phức tạp cả về lý luận và thực tiễn. Luận án chỉ tập trong nghiên cứu nội dung tính chính đáng của ĐCS Việt Nam cầm quyền.

    Về thời gian: Nghiên cứu tính chính đáng trong cầm quyền của ĐCS Việt Nam với trọng tâm là khoảng thời gian từ khi Đảng chính thức trở thành Đảng cầm quyền (1945) ở Việt Nam cho đến nay.

    4. Cơ sở lý luận, nguồn tư liệu và phương pháp nghiên cứu

    4.1. Cơ sở lý luận

    Luận án được thực hiện dựa trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đặc biệt, luận án bán sát đến các quan điểm biện chứng, khách quan, toàn diện, lịch sử - cụ thể để triển khai các ý tưởng nghiên cứu.

    4.2. Nguồn tư liệu

    - Tư liệu thứ cấp: Các tài liệu, các công trình nghiên cứu, sách chuyên khảo đã công bố của các nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài liên quan đến đề tài luận án.

    - Tư liệu cấp ba: Các Văn kiện Đại hội Đảng và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương; các văn bản pháp quy của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, các ngành; các báo cáo tổng kết của Mặt trận tổ quốc Việt Nam; các tác phẩm kinh điển có liên quan đến luận án.

    4.3. Phương pháp nghiên cứu

    Trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, tác giả lựa chọn phương pháp nghiên cứu phù hợp với từng nội dung luận án.

    - Chương 1, tác giả coi trọng phương pháp tổng hợp, phân tích và hệ thống hóa để đánh giá các công trình nghiên cứu có liên quan tới vấn đề tính chính đáng của ĐCS Việt Nam cầm quyền.

    - Chương 2, tác giả sử dụng nhiều phương pháp để làm sáng tỏ những vấn đề của luận án. Cụ thể, tác giả sử dụng phương pháp quy nạp để xây dựng các khái niệm công cụ. Phương pháp lịch sử, phân tích, và tổng hợp để khảo sát các quan niệm khác trong trong lịch sử tư tưởng chính trị về tính chính đáng chính trị, tính chính đáng của ĐCS Việt Nam cầm quyền từ đó đưa ra cấu trúc của tính chính đáng chính trị, cấu trúc tính chính đáng của ĐCS Việt Nam cầm quyền.

    - Chương 3, tác giả dùng phương pháp phân tích, tổng hợp, lịch sử và phương pháp định tính để khảo sát, phân tích, nhận định tính chính đáng trong cầm của của ĐCS Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Sử dụng phương pháp so sánh để tìm hiểu kinh nghiệm xây dựng tính chính đáng trong cầm quyền của một số đảng chính trị trên thế giới và rút ra một số bài học cho Đảng ta.

    - Chương 4, về cơ bản, tác giả sử dụng phương pháp phân tích, tổng hợp để phân tích các hạn chế trong duy trì tính chính đáng của ĐCS Việt Nam cầm quyền hiện nay và đề ra một số giải pháp có căn cứ khoa học, góp phần nâng cao tính chính đáng trong cầm quyền của ĐCS Việt Nam thời gian tới.

    5. Những đóng góp về mặt khoa học của luận án

    - Luận án đưa ra được khái niệm, cấu trúc về tính chính đáng chính trị, tính chính đáng của ĐCS Việt Nam cầm quyền từ cách tiếp cận của Chính trị học dựa trên hệ thống hóa các công trình nghiên cứu trước đó, các quan niệm khác nhau về tính chính đáng chính trị, tính chính đáng của đảng cầm quyền.

    - Trên cơ sở khung lý thuyết về tính chính đáng chính trị, tính chính đáng của ĐCS Việt Nam cầm quyền, luận án đã khảo sát, phân tích và đưa ra những nhận xét về tính chính đáng của ĐCS cầm quyền ở Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.

    - Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng tính chính đáng trong cầm quyền của một số đảng chính trị trên thế giới, luận án rút ra một số bài học bổ ích có khả năng vận dụng để nâng cao tính chính đáng trong cầm quyền của ĐCS Việt Nam.

    - Luận án chỉ ra những hạn chế trong duy trì tính chính đáng trong cầm quyền của Đảng hiện nay và đưa ra được các giải pháp khả thi nhằm nâng cao tính chính đáng trong cầm quyền của Đảng thời gian tới.

    6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn

    Về lý luận, nội dung và kết quả của luận án góp phần hoàn thiện cơ sở lý luận về tính chính đáng chính trị, tính chính đáng của ĐCS Việt Nam cầm quyền. Vì vậy, luận án có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu, giảng dạy chuyên ngành Chính trị học, các bộ môn khoa học xã hội và nhân văn có liên quan ở Việt Nam.

    Về thực tiễn, những kết luận của luận án được nghiên cứu trên cơ sở lý luận khoa học, cách tiếp cận rõ ràng. Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền có thể khai thác, vận dụng vào thực tiễn nhằm nâng cao tính chính đáng trong cầm quyền của ĐCS Việt Nam hiện nay và thời gian tới.

    7. Kết cấu luận án

    Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận án gồm 4 chương, 10 tiết.

    Chương 1 TỔNG QUAN CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU CÓ LIÊN QUAN

    Vấn đề tính chính đáng chính trị, tính chính đáng của nhà nước đã và đang được khá nhiều nhà khoa học phương Tây quan tâm nghiên cứu. Ở Việt Nam, vấn đề tính chính đáng chính trị, đặc biệt tính chính đáng của đảng cầm quyền, trong một thời gian dài vẫn được coi là vấn đề nhạy cảm, là một điều gì đó tối kỵ trong các nghiên cứu. Tuy nhiên, thời gian gần đây đã có một số nghiên cứu trực tiếp đề cập đến vấn đề này hoặc là liên quan đến vấn đề xây dựng tính chính đáng của nhà nước, của ĐCS Việt Nam cầm quyền ở nước ta dưới các góc nhìn khác nhau.

    1.1. CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU Ở NƯỚC NGOÀI

    Ở nước ngoài, các công trình nghiên cứu chuyên biệt về tính chính đáng của đảng cầm quyền hầu như rất hiếm. Các tác giả nước ngoài chủ yếu tập trung nghiên cứu về lý thuyết tính chính đáng chính trị, điều kiện đảm bảo cho tính chính đáng của nhà nước. Trong đó, có thể kể đến một số công trình tiêu biểu như:

    Max Weber(1984):Legitimacy, politics and the State [136]. Trong bài viết này, Max Weber cho rằng, mọi nhà nước đều dựa trên bạo lực (force), nhưng bạo lực chắc chắn không phải là phương tiện duy nhất của nhà nước. Nhưng, rõ ràng bạo lực là một phương tiện mang tính đặc trưng, riêng biệt của nhà nước. Nhà nước, theo Webber, là một mối quan hệ của người cai trị và người bị trị, mối quan hệ này được củng cố bởi công cụ bạo lực được coi là chính đáng. Max Weber cho rằng, bất cứ một nhà nước nào cũng gắn với sử dụng quyền lực, nhưng không phải việc sử dụng quyền lực nào cũng là chính đáng. Theo ông, có ba sự lý giải mang tính nội tại mà được coi là cơ sở cho sự cai trị dựa vào để coi đó là có tính chính đáng, đó là tính truyền thống, sự cuốn hút và tính hợp pháp. Các luận giải về cơ sở cho tính chính đáng của nhà nước của M.Weber được coi là nền tảng, nguồn gốc tranh luận cho rất nhiều các công trình nghiên cứu về sau. Đây là tiều liệu có giá trị tham khảo cho chương 2 của luận án.

    Dưới cách tiếp cận Triết học, khi đi sâu vào nghiên cứu về nhà nước, tính chính đáng của nhà nước, trong Luận án tiến sĩ của Anthony M. Musonda (2006): Political Legitimacy: The Quest for the Moral Authority of the State, A Philosophical Analysis [127], tác giả đã đi nghiên cứu và làm rõ những vấn đề lý luận cơ bản về nhà nước như: khái niệm về nhà nước, nguồn gốc của nhà nước, sự phát triển của nhà nước hiện đại, sự bành trướng về chủ quyền của nhà nước hiện đại v.v.. Đặc biệt, tác giả dành một lượng không nhỏ (phần 7, từ trang 89 đến trang 109) để nghiên cứu về tính chính đáng (tính chính đáng của nhà nước). Trong phần này tác giả có đi phân tích khuôn khổ của tính chính đáng nhà nước, chủ yếu tập trung vào yếu tố của các quy tắc pháp lý. Theo tác giả, trước kia, khi tầng lớp thống trị của nhà nước thực hiện một cách rộng rãi những đàn áp và bất công, nhân dân có thể tuân thủ những mệnh lệnh của quyền lực chính trị từ những động cơ của lương tâm như sự sợ hãi, lòng thèm muốn, phong tục hoặc chỉ là sự gắn bó với một người cai trị. Tuy nhiên, một tầng lớp cai trị nào đó không thể vững bền qua thời gian trừ khi những thần dân của nó nhận ra rằng, những người nắm giữ quyền lực nhà nước có quyền ra lệnh một cách chính đáng, khi, những mệnh lệnh đó phù hợp với những nguyên tắc đã được định sẵn mang tính pháp lý. Bởi vậy, để một tầng lớp cai trị bền vững qua thời gian thì nội dung của những yêu cầu, mệnh lệnh đó phải được căn cứ vào quy tắc mang tính pháp lý. Các luận giải của tác giả về tính chính đáng của các mệnh lệnh, hay hệ thống pháp luật của nhà nước có giá trị tham khảo trong việc làm rõ cơ sở lý luận về tính chính đáng chính trị, đặc biệt là xây dựng cấu trúc tính chính đáng chính trị.

    Nghiên cứu về mới quan hệ giữa hiệu quả của quá trình cầm quyền với tính chính đáng chính trị, tác giả Lipset, Seymour Martin trong cuốn sách, Political Man: The Social Bases of Politics [146] được xuất bản năm 1983 có cách tiếp cận rất đáng chú ý. Trong cuốn sách này, Lipset dành một chương để nói về tính chính đáng (Social conflict, legitimacy, and Democracy - xung đột xã hội, tính chính đáng và dân chủ). Không đi sâu vào nghiên cứu tính hợp pháp của nhà nước như Anthony M. Musonda, Lipset đưa ra khái niệm về tính chính đáng chính trị khá rõ ràng. Ông cho rằng, số đông coi một hệ thống chính trị có chính đáng hay không bằng cách xem xem những giá trị của hệ thống đó có phù hợp với họ hay không. Theo tác giả, giá trị cốt lõi ở đây là hiệu quả của sự cầm quyền. Thước đo cơ bản cho tính hiệu quả của sự cầm quyền, theo ông, chính là sự phát triển kinh tế và phát triển kinh tế là chìa khóa để cho chủ thể cầm quyền xây dựng tính chính đáng. Từ cách tiếp cận và quan niệm như vậy, ông đi sâu vào phân tích mối quan hệ tương tác qua lại giữa tính chính đáng và hiệu quả cầm quyền của một hệ thống chính trị. Theo ông, nếu chủ thể cầm quyền tạo ra được sự phát triển kinh tế cao thì đồng nghĩa với việc tính chính đáng trong cầm quyền cao. Và ngược lại, khi hiệu quả cầm quyền thấp, nếu để kéo dài thì tính chính đáng trong cầm quyền bị xói mòn và dần dẫn tới mất vai trò cầm quyền. Các luận giải của tác giả trong công trình này có giá trị trong việc xây dựng cấu trúc tính chính đáng chính trị ở chương 2 của luận án.

    Liên quan đến tính hợp pháp của chủ thể cầm quyền, có công trình nghiên cứu của Carl Schmitt : Legality and Legitimacy [155]. Trong công trình này, tác giả đi tìm lời giải cho mối quan hệ giữa tính chính đáng với tính hợp pháp. Ông cho rằng, một chính phủ chỉ có được tính chính đáng khi nó được lập lên từ các cuộc bầu cử tự do và công bằng - tức là hợp pháp. Tuy nhiên, ông cũng hoài nghi về tính chính đáng của một chính phủ được dựng lên nhờ vào bầu cử bằng chiến thắng đa số tuyệt đối. Ông cho rằng, 51% phiếu bầu tạo nên tính chính đáng mà không bao giờ hỏi liệu 49% còn lại có chấp nhận quyết định của 51% hay không. Theo ông, một chính phủ được bầu lên với 51% số phiếu đã được coi là chính đáng hay chưa nếu như 49% còn lại nổi loạn thì liệu chính phủ đó có duy trì được thời gian cầm quyền của mình? Từ đó, ông khẳng định rằng, kết quả bầu cử chỉ là một điều kiện đầu tiên để tạo nên tính chính đáng cho một chính phủ. Chính phủ đó có duy trì được tính chính đáng hay không cần phải thuyết phục được 49% còn lại thông qua hiệu quả của các chính sách phát triển kinh tế, xã hội của mình. Các phân tích, nhận định của tác giả sẽ là tham khảo bổ ích trong quá trình triển khai các nội dung của luận án.

    Bàn về khía cạnh tính hợp pháp của quyền lực nhà nước còn có bài viết của John H. Schaar: Legitimacy in the Modern State [143]. Trong bài viết này, tác giả đã đề cập đến một loạt các quan niệm, các cách tiếp cận khác nhau về tính chính đáng của quyền lực nhà nước. Từ đó, tác giả đưa ra ý kiến của riêng mình. Theo tác giả, để quyền lực nhà nước trở thành quyền uy, quyền lực đó phái đến từ ‘sự ủy quyền dân chủ - democratic consent’ và

    Enjoying the preview?
    Page 1 of 1